Thứ Hai, 20 tháng 10, 2008

CHỊ ÚT QUẮN




Chị út Quắn
Nguyễn Thế Hoàng

Chị thứ mười, thường gọi chị là Mười Quắn. Cha mẹ chị sinh mười một người con. Nếu gọi chị là chị mười một Quắn, e khó nghe, nên người ta gọi chị là Mười Quắn. Chị là út chót trong gia đình nên được gọi cưng một chút là chị út Quắn dễ nghe và dễ thương hơn. Chị út Quắn cũng hãnh diện và chấp nhận tên gọi của mình. Gia đình cha mẹ chị út Quắn nghèo, nghèo tả tơi, con lại đông, ở vùng quê đất cày lên sỏi đá nắng hạn nhiều hơn mưa. Nhà nghèo, cha mẹ đau bệnh không tiền chạy thuốc nên hai người lần lượt qua đời. Giàu út ăn, khó út chịu, chị nhận phần hương hỏa cha mẹ để lại, căn nhà tranh vách đất và sào đất sau nhà.
Các anh, các chị không ai được học hành, sinh ra lớn lên theo cha mẹ làm thuê cuốc mướn, lao động chân tay quanh năm. Lần lượt họ cưới vợ, lấy chồng, tứ tản khắp bốn phương trời tìm kế sinh nhai, cái nghèo vẫn đeo theo họ suốt đời. Chị út Quắn ở với cha mẹ cũng vất vả bữa đói bữa no. Chị cũng không được đi học, nhưng tính toán bằng miệng, gọi là tính rợ, thì không ai qua được chị. Chị nhớ dai những chuyện cổ tích, vài câu ca dao, chuyện đời nay, chuyện trên trời dưới biển. Đối đáp, hát hò chị chẳng thua ai.
Chị út Quắn mang cái tuổi canh dần. Khi trưởng thành chị biết mình tuổi canh dần, tuổi con cọp, lại cọp cái, còn canh cô mồ quả. Mà chị canh cô mồ quả thật đãy. Cha mẹ qua đời, các anh chị tứ tản khắp nơi, còn lại chị sống một mình trong ngôi nhà cha mẹ để lại.
Thỉnh thoảng chị có sự suy nghĩ về đường chồng con. Người ta bảo đàn bà mang tuổi dần là sát phu. Có chồng phải mấy đời mới trụ. Nhưng chị lại suy nghĩ khác hơn, có ai hỏi tuổi, chị trả lời thẳng thừng một hơi là tui tuổi sửu, kỷ sửu, tuổi con trâu đi cày, khỏe mạnh lo làm lo ăn quanh năm suốt tháng không nghỉ ngơi, có nghỉ thì được nghỉ mấy ngày Tết không hà. Nói xong, chị cười hì hì vui tính chứng tỏ điều mình nói không sai để che lấp cái tuổi dần ghê sợ đó. Chị út Quắn dấu nó rất kỷ coi như một điều không may mắn cho lắm về đường chồng con.
Sào đất sau nhà, chị ra sức chăm sóc trồng các loại thực phẩm kiếm cái ăn. Khi rảnh, chị út Quắn lội khắp các vườn mua trái cây gánh ra chợ bán kiếm đồng lời và cuộc sống tạm đủ qua ngày.
Sau mậu thân 68, chị út Quắn tròn hai mươi tuổi phơi phới đẫy đà, chị ước muốn một tấm chồng như bao cô gái khác trong làng, vậy mà chẳng ai dám mơ màng đến chị. Họ ngại đàn bà con gái tuổi dần, dầu cho chị có đính chính chối cãi.
Sau tháng 4/75, ngôi nhà và sào đất cha mẹ để lại cho chị được xã địa phương qui định đóng thuế hàng năm theo luật mới. Tiền thuế qui định cao, ngoài khả năng lợi tức của chị. Chị cãi chày, cãi cối với mấy người có trách nhiệm, từ xưa đến nay cha mẹ chẳng có ai buộc phải nạp thuế nhà và đất. Cãi nhau năm lần bảy lượt, chị cương quyết không thi hành, cho dù mấy ông Xã dọa không chịu nạp thuế, nhà và đất sẽ bị tịch thu, phải đi kinh tế mới mà sống với thú rừng. Dọa thì dọa, chị vẫn tỉnh bơ coi như không có gì. Chị lì lợm mấy lần khi chị được kêu lên Xã, để họ bắt nạt và hăm he chị.
Vài tháng sau, chán cảnh kêu lên kêu xuống của Xã, chị nghe lời bạn bè rủ nhau đi làm công nhân cạo mủ cao su ở Dầu Tiếng. Chị út Quắn cột chặt cửa nhà, dùng chà gai keo tắp xung quanh. Chị làm đâu chừng năm bị tên cai đồn điền hãm hiếp nhiều lần, chịu không nổi với hắn, chị phải bỏ về xứ mang theo cái thai bất đắc dĩ trong người. Chị sanh một con trai, đâu chừng tháng thì nó chết ngủm. Chẳng bao lâu chị nghe tên cai đồn điền bị rắn độc cắn chết tươi. Sẳn dịp, bà con chòm xóm bàn tán nói chị chưa chi đã qua một đời chồng rồi đó. Chị út Quắn phân bua đầu trên xóm dưới rằng nếu tui không bỏ hắn về quê, mà ở lại với hắn thì làm gì hắn vắn số. Cái số của hắn chỉ chừng đó, đâu phải tại tui. Tui đâu phải tuổi dần, tui tuổi sửu, nói mãi không ai tin.
Sau khi sanh thằng con, tiền bạc dành dụm hết sạch. Sào đất sau nhà chưa trồng trọt được thứ gì để ăn. Chị út Quắn ra sức đi làm thuê bữa có bữa không. Trên Xã thấy chị về, kêu chị lên tiếp tục hăm dọa. Họ nói bao nhiêu người trong Xã đều nạp thuế chỉ riêng chị ngoan cố không thi hành. Chị út Quắn biết họ dựng chuyện kiếm cớ để lấy nhà, lấy đất của chị, cũng chỉ vì cái ông chủ tịch Xã trước đây khi còn là thằng dân ngu khu đen đi cuốc đất mướn đã bao nhiêu lần đến nhà chị đòi hãm chị mà không được. Giờ thời thế thay đổi, hắn có chức có quyền sinh sự thù vặt để chiếm nhà chiếm đất của chị làm của riêng tư.
Sau cùng chị út Quắn nhận quyết định của Xã phải đi kinh tế mới, nhà và đất bị tịch thu. Xã kết tội chị phản động, không chấp hành lệnh chính quyền. Họ thu thẻ chứng minh nhân dân và xóa hộ khẩu của chị. Chị út Quắn đang trở thành người dân không nhà cửa, quê quán, gốc gác, lý lịch... phải lên rừng sống với thú vật.
Lệnh lạc đâu đó đành rành. Mãy tên du kích Xã đến nhà chỉa súng dẫn chị về Xã. Chị quơ quào mấy bộ quần áo cũ, chén đủa ăn cơm, ca nhựa uống nước...cho vào bị vải. Nhìn tới nhìn lui chẳng còn gì để mang theo, vì cũng chẳng có gì để lấy. Chị ra khỏi nhà, cột chặt cửa, kéo chà gai keo tắp xung quanh. Chị út Quắn đi giữa mấy tên du kích ghìm súng dẫn về Xã như đang áp dẫn một can phạm. Chị bị đẩy lên xe cùng với một số người khác, già trẻ, đàn ông đàn bà, trẻ con đang ngồi chật cứng trong chiếc xe bít bùng. Kể từ lúc này, chị út Quắn đã trở thành phạm nhân mang bản án phản động, không chấp hành lệnh, cần được cải tạo tư tưởng ở mức độ thấp, được phép đi khai khẩn đất rừng, lao động sản xuất, làm ra của cải vật chất nuôi bản thân, đóng góp đất nước. Bản án được tên công an Xã đọc trước khi xe khởi hành đến khu kinh tế mới. Cuộc hành trình dài một ngày, một đêm, từ miền Trung lên cao nguyên vào tận rừng sâu bạt ngàn. Mỗi người được cấp một bao gạo ẩm, bị muối hột, dao rựa, cuốc xẻng, và vài trăm tiền Hồ để tự lực cuộc sống trong rừng hun hút đầy thú dữ và muổi mòng rắn rết.
Trong cuộc sống chẳng đặng đừng này ai ai cũng nghĩ rằng chỉ còn ra sức phấn đãu để mà sống. Mọi người tỏa ra tìm địa điểm thuận lợi, chặt cây rừng, phát quang, làm chòi trú ngụ, dọn đất trồng trĩa...khởi sự bước vào cuộc sống rừng rú.
Ngày đầu tiên chị út Quắn quen với anh Tư Ngang. Anh còn có cái tên là Tư Xà Lõn vì lúc nào anh cũng thích mặc quần xà lõn (quần đùi). Nghe đâu anh là lính nghĩa quân loại 1 ngày trước. Giờ thì xã liệt anh vào thành phần nguy hiểm cần rời khỏi địa phương. Vợ anh đã chết vì đạn pháo kích. Anh cũng bị tịch thu chứng minh nhân dân, xóa hộ khẩu trở thành dân lậu không gốc gác, lý lịch, quê quán. Anh xấp xỉ tuổi với chị út Quắn. Đồng cảnh ngộ, đồng tuổi tác, hai anh chị dễ dàng thân thiện giúp nhau làm chòi, chặt cây, vỡ đất...Hai tháng sau, anh chị chính thức lấy nhau. Chị út Quắn có đời chồng thứ hai, và chị cầu xin vợ chồng sống yên ổn suốt đời. Chị út Quắn vẫn dấu anh tuổi dần. Chị khai với anh là tuổi sửu, chị bảo hai người hạp nhau lắm, sẽ ăn đời ở kiếp.
Chị đề nghị với anh Tư là chầm chậm có con, đừng bày đầu năm sinh trai, cuối năm sinh gái khổ lắm. Anh tư Xà Lõn đồng ý. Anh khuyên chị là nên trốn khỏi nơi này. Chị than với anh :
- Trốn rồi đi đâu, ở đâu. Hộ khẩu không có, chứng minh nhân dân cũng không, ai chứa chấp mình.
Anh tư Xà Lõn góp ý :
- Trốn về miền Trung không được, họ kiểm soát gắt lắm. Về Saigon lẫn lộn trong thành phố may ra, sau đó rồi hẳn hay.
Bàn tính xong hai anh chị thừa đêm tối lội rừng suốt một đêm, đến sáng mới ra đường lộ. Nhờ chiếc nhẫn vàng y một chỉ của anh tư Xà Lõn đem đi bán, vợ chồng chị mới về được Saigon.
Thoát được cuộc sống rừng rú giờ lại chẳng biết ăn đâu ở đâu, tứ cố vô thân. Hai ngưòi lang thang từng góc phố con đường. Đêm thì chui rúc dưới gầm cầu, hiên chái, nhà ga, bến xe...trong giấc ngủ chập chờn vì muổi, vì lạnh, vì lo sợ cảnh sát hốt. Ban ngày lội ngược lội xuôi tìm kiếm việc làm. Khi có việc người ta không nhận vì chẳng có giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, giấy tạm trú tạm vắng...Không ai thuê mướn người không có lý lịch, căn cước...họ sợ trộm cắp, sợ liên lụy. Xã Phường bắt dân học tập không chứa chấp dân vùng kinh tế mới trốn về. Nếu biết được phải trình báo để bắt giữ và trục xuất. Ai chứa chấp sẽ trị tội. Họ bảo bọn kinh tế mới trốn về trà trộn trong dân gây xáo trộn an ninh, làm mất thẩm mỹ thành phố mang "tên bác". Ố ! là là ! sao lại phân biệt đối xử kỳ cục quá vậy ! Tại sao coi tụi tui như cùi, như hủi ! Tụi tui là Mọi, là Thượng, là Chàm, là cà răng căng tai ở rừng rú về mà ! Nhà nước mấy ông ơi ! cho chúng con sống với ...!
Qua mấy tháng ăn chui, ngủ chui không tìm được công việc gì làm. Tiền bạc không một xu dính túi. Chị út Quắn và anh Tư xà Lõn còn biết nhắm vào mấy đống rác hôi thúi cao như núi để kiếm miếng ăn. Từ sáng sớm đến nửa đêm, anh chị hì hục bươi móc trong đống rác để lượm bị nylon, giấy vụn, chai lọ, các vật dụng bẳng nhựa hư hỏng...Lượm được rồi, tìm nước rửa sạch, phơi khô và đem cân ký. Lại còn khổ nạn tranh giành nhau từng mãng rác thúi hôi. Đống rác nào cũng dày đặc người từ già, trẻ, bé, choi choi...đủ hạng bu như kiến. Thỉnh thoảng xảy ra đánh lộn, chửi bới rang trời dậy đất. Thật cực nhọc trăm chiều. Suốt ngày anh chị út Quắn hít thở đầy lòng phổi mùi xú khí, hôi thúi bốc hơi từng cuộn khói ngùn ngụt từ trong rác lúc đầu thật khó chịu vô cùng, lâu ngày quen đi không còn cảm thấy hôi thúi nữa.
Ngày nào xong công việc sớm vợ chồng chị út Quắn tìm chỗ nghỉ ngơi, bằng không thì ngủ lăn trên đống rác ướt nhèm nhẹp tanh hôi để giữ của. Làm đến cuối ngày, hai con mắt mờ đi, lồng ngực nặng chĩu tưng tức, khó thở như muốn buồn nôn. Quần áo, cơ thể chẳng được tắm rửa bám đầy xú khí, ngứa ngáy, hôi hám sanh ghẻ lở lói hai bàn tay, bàn chân, mặt mủi, mình mẩy...cũng đành chịu. Cái duy nhất để có miếng ăn bỏ vào miệng là cần thiết hơn cả.
Kiếm được cái ăn để trấn áp bao tử đang dày vò thường xuyên thật vất vả cay đắng làm sao ! vậy mà đâu được yên thân ! Đôi ba ngày là bị bọn cảnh sát bố ráp, rượt bắt. Vợ chồng chị út Quắn và anh tư Xà Lõn cũng như mọi người chỉ còn bỏ của chạy lấy người. Chạy thì chạy, anh chị không quên hai bao lác đựng quần áo rách, mền cũ, vật dụng... là gia tài duy nhất của đời sống. Bọn cảnh sát đi rồi, mọi người trở lại "họp chợ" bươi móc tranh giành từng miếng ăn từ đống rác hôi thúi.
Chị út Quắn dự tính cật lực làm để dành tiền mướn người thảo đơn ra trung ương khiếu kiện một chuyến. Việc dự tính chưa thực hiện được thì chị út Quắn bị cảnh sát bố ráp bắt, vì bụng đang mang thai mệt mỏi, chậm chân chạy không kịp. Anh tư Xà Lõn nhanh chân hơn nên thoát được. Chị út Quắn can thêm tội bỏ trốn vùng kinh tế mới nên bị nhốt cả tháng trời, nhịn đói nhịn khát, sau đó bị giải trả về lại vùng kinh tế mới.
Về đến nơi, chị bị giam lỏng tại trụ sở ấp không có cơm ăn, mỗi ngày được đôi ba trái bắp hoặc vài củ khoai đở đói, nhưng chị phải lao động sản xuất. Ban đêm cùng với mấy người bỏ trốn vừa bị bắt về ngồi nghe tên công an khu vực lên lớp cải tạo tư tưởng. Cái thai mỗi ngày mỗi lớn và quậy phá trong bụng chị vì không có sửa.
Chị út Quắn cố gắng chịu đựng được hơn nửa tháng rồi bỏ trốn lần thứ hai. Chị tìm đường về quê, tạt qua thăm nhà. Chị cảm thấy nhớ nhà vô cùng. Đến nơi chị út Quắn không còn nhìn thấy nhà cửa của mình. Họ đã sang bằng ngôi nhà của chị và trên lô đất họ đang cất một ngôi nhà gạch còn đang dở dang. Chị uất nghẹn và vô cùng thất vọng. Chị thất thểu trên đường đến trụ sở ủy ban nhân dân Xã để hỏi cho ra lẽ. Tên chủ tịch Xã lạnh lùng không tiếp chị. Hắn bảo du kích Xã đuổi chị ra khỏi làng, và báo cho chị biết rằng chị không còn tư cách gì để khiếu nại. Nhà đất đã không còn sở hửu của chị. Giấy tờ tịch thu hợp pháp. Chị đã không còn là người dân trong Xã vì không có hộ khẩu, không có giấy tờ tùy thân thì đừng hòng thưa kiện đòi lại nhà và đất, có ức thì cứ đi kiện.
Chị út Quắn nhất quyết không đi, nằm vạ giữa đường khóc lóc, than thở, và chửi bới suốt ngày. Vài người dân trong Xã thấy thương tình cảnh khốn đốn của chị, họ có ý định giúp chị điều này điều khác, nhưng lại không dám chỉ sợ vạ lây. Vài ngày sau, nghĩ thương cái thai trong bụng, nên chị cố nhịn nhục tìm đường về Saigon tìm anh tư Xà Lõn để cùng nhau lo việc sanh đẻ. Chị út Quắn càng khốn đốn khi trong người không có một xu dính túi và cũng chẳng còn gì đáng giá để bán. Chị đành đi ăn xin lây lất từng ngày, chắt chiu để có tiền xe.
Hai tháng sau, chị út Quắn mới về đến Saigon và gặp được chồng. Trong thời gian vắng chị, anh tư Xà Lõn tìm được một chân lơ xe đò đường Saigon-Mỹ Tho. Người chủ xe thương xót hoàn cảnh đã cho anh tư ở tạm cái chái sau nhà thấp lè lè đang chất đồ đạc. Anh tư mua mấy tấm cót dừng chung quanh cho kín đáo làm nơi tạm trú.
Hằng ngày anh tư Xà Lõn đi phụ xe từ sáng đến tối mới về. Chị út Quắn lảnh vé số bán dạo. Hai người chắt chiu tiền bạc để sanh đẻ, đồng thời mướn người làm đơn gởi các nơi và trung ương để khiếu kiện đòi nhà, đòi đất, xin cấp lại hộ khấu và giấy tờ tùy thân để trở về quê sinh sống.
Chị út Quắn sức khỏe mỗi ngày mỗi sa sút. Gần ngày sanh, ăn uống thất thường, thiếu dinh dưỡng, chị đã sanh non đứa con mới được bảy tháng. Hài nhi sanh ra, ốm tong teo, quặt quẹo. Chị út Quắn lại không có sữa, đành cho bú nước cháo, có dặm chút sữa bò.
Chái hiên đang ở diện tích chưa được mười mét vuông là nơi đứa con gái của chị chào đời, chị út Quắn lấy tên Chái đặt cho con để kỷ niệm cuộc sống khốn khổ của vợ chồng anh chị. Hai vợ chồng nghèo đói nhưng có được đứa con mừng lắm. Nhờ trời thương, con Chái mỗi ngày mỗi lớn và khỏe mạnh.
Con Chái vừa được một tháng tuổi, chị út Quắn tiếp tục lảnh vé số bán dạo. Buổi sáng chị đặt con Chái trong chiếc nôi nhỏ có xách tay, tay xách con, tay cầm tập vé số và chị tìm đến những gốc cây, góc phố, ven chợ, mái hiên...mời mọc kẻ qua người lại mua giùm vé số. Có hôm chị ngồi suốt cả ngày ngoài đường. Hôm nào bán hết vé số, chị được về sớm. Con Chái nó cũng biết thân phận, nằm yên trong chiếc nôi nhỏ, không khóc, hết bú rồi ngủ, có lúc nằm trong nôi nhìn người qua lại trong ánh nắng chói chang bụi bặm.
Làm gì thì làm, cứ ba bốn tháng chị út Quắn lại mướn thảo đơn gởi các nơi để van nài đòi lại nhà đất, hộ khẩu và giấy tờ tùy thân, để mình không còn là dân lậu nữa. Đơn gởi đi nhiều lượt, nhưng chưa thấy ai hỏi han, nhắc nhở đến. Chị út Quắn và anh tư Xà Lõn cảm thấy tủi nhục khi họ bảo rằng mình là dân lậu. Dân lậu là loại dân không nhà cửa gốc gác, thất tha thất thểu, không một tờ giấy tùy thân, kẻ khinh người ghét, đồ trôi sông lạc chợ, ai thấy cũng sợ như sợ phong cùi hủi lác ,truyền nhiễm lây lan không ai dám đến gần. Chị út Quắn suy nghĩ rằng mình có làm điều gì cho cam. Cha mẹ sinh ra, sống giữa đồng quê chân chất, lo làm ăn, không thù ghét ai, không làm điều gì phải can dự hoặc dính líu đến ai. Một người dân lương thiện như chị sống trong nghèo đói trơ trọi đã là nạn nhân của quyền thế, bóc lột, chuyên hiếp đáp dân lành. Mạng sống con người đâu quí bằng cái sổ hộ khẩu quái đản, cái thẻ chứng minh nhân dân oái oăm đó !
Muốn được sống yên thân vợ chồng chị út Quắn phải đóng hụi chết hằng tháng cho tên công an khu vực. Tháng nào chưa kịp đóng tiền, là y hăm dọa bắt nhốt trả về khu kinh tế mới, nghiệt ngã đến kêu trời không thấu !
Con Chái được ba tuổi, biết đi biết chạy thì tai họa lại đến với chị. Anh tư Xà Lõn lại chết bất đắc kỳ tử trên chiếc xe đò đường Saigon - Mỹ Tho. Tài xế bất cẩn khi xe đổ dốc đầu cầu Bến Lức đã lạc tay lái chạy vút xuống sông chìm lĩm. Hành khách ngộp ngạt kẹt cứng trong xe chôn vùi dưới nước. Mấy ngày sau người ta mới trục được chiếc xe, một số người đã chết và sình lên.
Chị út Quắn khóc sưng mắt. Chị không còn đủ sức đi tìm xác chồng. Khốn khổ cho chị, chị út Quắn lại suy nghĩ đến tuổi dần. Đúng là cái tuổi sao quái ác như thế cứ đeo chị không rời. Có thật phải tin như vậy không ? Tin rồi không tin và lại tin trong vòng lẩn quẩn đang ám ảnh chị không lối thoát. Đời chị sao hẩm hiu cô đơn quá ! Chỉ mới vài năm đã hai đời chồng rồi ! Chị út Quắn cảm thấy lo sợ. Giờ thì chị sợ kinh khủng ! Lấy chồng mà làm chi để cuộc đời cứ hẩm hiu cho chính bản thân mình, lại không may mắn cho người đàn ông thương chị. Thôi thì có được đứa con là niềm vui, là chỗ dựa cho tuổi già. Chị út Quắn quyết ở vậy để nuôi con Chái nên người và làm sao cho nó không phải sống nghèo khổ như chị. Ngày nào đó chị qua đời, còn có người khóc chị.
Mệt mỏi, hụt hẫng, và mất thăng bằng trong cuộc sống, trước cái chết đột ngột của anh tư Xà Lõn chị không còn biết bấu víu vào đâu giữa một xã hội đầy bất công. Chị út Quắn quyết định thu xếp tất cả để đi một chuyến Hà Nội đội đơn khiếu kiện. Lần đi duy nhất và cuối cùng để gặp mấy ông lớn may ra sẽ giải quyết được nguyện vọng của chị. Con đường đi xa sẽ tốn kém nhiều tiền bạc, công sức...để quyết một lần cho rõ trắng đen...rồi có chết đi cũng mãn nguyện.
Trong cái chái hai vợ chồng chị út Quắn đã ở hơn bốn năm chẳng có gì thu dọn cả. Những bộ quần áo cũ, nồi niêu chén bát, chiếu và mền mùng...chị bỏ lại hết, chỉ mang theo vài món cần thiết. Chị trả lại căn chái cho chủ nhà. Vợ chồng ông chủ nhà vừa khánh tận vì chiếc xe đò bị tai nạn, chẳng giúp được gì cho chị út Quắn. Hơn bốn năm anh tư Xà Lõn làm công, họ giúp chỗ ở trong lúc ngặt nghèo, để đổi lấy mạng sống của chồng, đó có phải trả một giá quá đắt không ?
Chị út Quắn ẳm con Chái, mang bọc vải sau lưng đi chuyến tàu suốt Saigon Hà Nội. Chị đã phải mất năm ngày đêm mới đến nơi. Chị hỏi thăm đường đến khu vực tiếp dân ở số 1 Mai Xuân Thưởng nằm trong quận Ba Đình, Hà Nội dâng đơn lên trung ương khiếu nại giải oan. Chị hối hả vào phòng nhờ người ghi tên hộ vào danh sách cũng vì chị mù chữ, rồi ra ngoài ngồi chờ đợi đến lượt gọi tên.
Chị út Quắn hết sức ngỡ ngàng trước cảnh người dân đổ dồn về đây khiếu kiện đông như kiến cỏ. Chị cứ ngỡ rằng đâu phải chỉ riêng một mình chị. Họ đang mất đất, mất nhà, mất tài sản, bị vu oan tù tội, bị xóa hộ khẩu, bị thu giữ giấy tờ tùy thân, bị tước bỏ quyền công dân, bị xử oan ức....ôi thôi ! vô số lý do khiếu kiện trong bao nhiêu cảnh đàn áp, bóc lột, tham nhũng từ mọi cấp cai trị dân ở khắp các địa phương. Họ đã chờ đợi, họ đã ăn dầm nằm dề có đến nhiều năm...mà vẫn chưa được giải quyết. Người dân lúc nhúc, chen lấn đông đặc xung quanh khu vực tiếp dân rộng lớn, và họ còn tràn qua lố nhố phũ kín khu Vườn Hoa Lý Tự Trọng đối diện.
Ngày đêm họ nằm dài dưới đất, trên ghế đá, dưới bóng cây, mái hiên, ngay cả những nhà vệ sinh công cộng của thành phố...nấu nướng, ăn uống, tắm rửa bằng mấy vòi nước tưới của vườn hoa, khi có, khi không, vì không một nhà nào dám chứa chấp họ, họ không có giấy tờ tùy thân, họ là dân lậu...nên dễ bị kết tội chứa chấp người bất hợp pháp.
Nhìn khu tập thể người dân về khiếu kiện giải oan nhốn nháo dưới một góc trời đang phơi mình trong nắng gắt oi bức, có hôm co ro run rẩy dưới cơn mưa dầm lạnh cóng để ngóng cổ từng giờ, từng ngày chờ được gọi tên từ loa phóng thanh...ai ai cũng cảm thấy mình chỉ còn xứng đáng là một con vật bất hạnh nhất trên đời. Chị út Quắn cảm thấy chán ngán và ớn lạnh cho thân phận người dân thấp cổ bé miệng có kêu trời cũng không thấu. Họ là như thế, liệu mình có đủ sức chịu đựng trải qua nhiều ngày tháng như thế này không biết đến chừng nào. Tìm được một chỗ ngồi, một chỗ nằm để trải tấm vải bạt trong toàn khu vực tiếp dân ngay cả khu Vườn Hoa đối diện đâu phải là chuyện dễ dàng. Người người chực chờ tranh giành nhau để chiếm chỗ. Thỉnh thoảng bọn bảo vệ, bọn cán bộ trách nhiệm tại khu tiếp dân và bọn công an đến càn quét xua đuổi gây khó dễ cũng vì không giữ vệ sinh, xả rác và tiểu tiện bừa bãi.
Chị út Quắn chờ đã ba tháng rồi vẫn chưa nghe tên mình trên loa phóng thanh. Chị đã vào hỏi vài lần, nhưng họ bảo chờ. Chờ và chờ. Không chờ thì ra về. Tiền bạc mang theo dần dần cạn không biết phải tính sao đây. Chị nẩy sanh ra chuyện ban ngày ngồi hầu chực hằng giờ nghe được gọi tên, ban đêm dẫn con Chái theo những người khác lượm vỏ chai, lon sửa...hoặc đi rửa chén bát thuê, lau chùi nhà...khắp cùng khu vực để kiếm chút tiền mua cơm lót dạ.
Thỉnh thoảng các quan chức nhà nước thấy dân khiếu kiện quá đông gây ồn ào, làm bẩn mắt bẩn tai, làm mất vẻ đẹp cơ quan công quyền cầm cân nẩy mực, phóng uế bừa bãi hôi thúi...các ngài đã cầu cứu hàng chục chiếc xe công an đến lùa người dân lên xe chở đi. Ai nhanh chân chạy thoát, ai chậm chân bị bốc lên xe. Chị út Quắn cũng đồng số phận. Công an chở tất cả ra ngoại ô Hà Nội xa hằng trăm cây số, nhốt họ hằng tháng trong các trại tù lớn, bỏ đói bỏ khát mới thả họ ra với những lời đe dọa và đuổi về nguyên quán, không cho họ trở lại khu tiếp dân Mai Xuân Thưởng. Hầu hết họ không có tiền đi xe, phải đành đi bộ từ ngày này sang ngày khác, đói lả, nằm vật vã dọc đường...và cố lê tấm thân tàn ốm yếu...để tiếp tục cuộc hành trình khiếu kiện, giải oan...cho đến bao giờ đạt ước nguyện mới thôi !


Qua một năm chờ đợi, chị út Quắn mới được gọi tên trên loa phóng thanh. Chị hết sức mừng rỡ như người vừa chết rồi được sống lại. Chị út Quắn được một tên công an áo vàng dẫn vào văn phòng. Con Chái bốn tuổi, không được phép theo chị vào cửa quan quyền, vì tên công an bảo là chỗ tôn nghiêm của các cấp lảnh đạo lớn làm việc, con nít con nôi không được phép vào. Con Chái khóc lóc, vùng vằng không chịu rời khỏi mẹ. Nhìn con, chị út Quắn đau xót từng khúc ruột và chị cũng không nỡ bỏ con một mình đứng bên ngoài. Tên công an áo vàng giục, và y còn hăm he rằng, không chịu để con nít bên ngoài thì về đi. Chị út Quắn phải dỗ ngọt con Chái, con hãy ngồi chỗ cánh cửa này đừng đi đâu hết, chờ mẹ vào trong một chút là mẹ sẽ ra ngay với con.
Chị út Quắn bước vào văn phòng có tên công an đi kèm theo sau. Người chị lem luốc, quần áo vá đùm vá đụp, đầu tóc rối nùi, đi chân đất, mặt mủi bơ phờ, hôi hám, bẩn thỉu vì lâu ngày không có nước để tắm rửa tại khu vực tiếp dân.
Căn phòng có máy lạnh mát rượi, thơm tho. Nền nhà lát gạch bông bóng loáng sang trọng. Giữa căn phòng là một cái bàn giấy thật lớn bằng gỗ gụ bóng. Sau bàn là chiếc ghế nệm bọc da. Một bộ salon màu kem được kê ở một góc, trên có bình hoa tươi, bộ chén trà và một đĩa lớn đựng nhiều trái cây chín. Trên các vách treo nhiều phong cảnh đẹp. Một người đàn ông trung niên, ăn mặc chỉnh tề, áo veste, cà vạt, giày bóng, đầu tóc chải mượt, khuôn mặt béo phệ bóng lưỡng, thân hình đẩy đà, đang ngồi trên chiếc ghế nệm da, mắt chăm chú những tờ giấy trên bàn. Ông ta điềm nhiên không chú ý sự có mặt của chị út Quắn.
Tên công an ra lệnh chị út Quắn đứng chờ ở góc phòng, rồi hắn mở cửa bước ra ngoài. Trong căn phòng mát lạnh sang trọng trước một quan chức quyền uy, tiếp dân trông thật bề thế, chị út Quắn hơi khớp. Từng phút trôi qua, căn phòng thật yên tỉnh. Chị cảm thấy mình và ngài quan chức trước mặt kia thật xa lạ và thật cách biệt nghìn trùng. Chị đang tự ti mặc cảm như thân phận của một can phạm đang đối diện trước tòa quan lớn. Nơi cửa quan quyền cao nghìn trùng thăm thẳm, người dân thấp cổ bé miệng làm sao kêu lên thấu. Chỉ ở bên trong này và ngoài cánh cửa kia đã có sự khác biệt vô cùng.
Chị út Quắn nghĩ rằng phải làm sao đây để ngài quan chức đầy uy quyền kia thương xót giải quyết thỏa đáng cho mình. Chị cảm thấy sao quá muôn vàn khó khăn trong giờ phút quan trọng nhất cuộc đời đang quyết định số phận. Bất chợt chị cảm thấy run sợ trước quyền lực con người. Chị lâm râm cầu nguyện thần linh kẻ khuất mặt phù hộ cho thân phận nhỏ nhoi côi cút của chị.
Mười lăm phút hồi hộp lo lắng đi qua. Căn phòng vẫn hoàn toàn im vắng. Chị út Quắn không còn đứng vững để chờ. Sức lực trong người chị đã cùng kiệt. Chị ngồi bệch xuống nền gạch bông mát rượi. Chị cảm thấy thèm một giấc ngủ ngon trên nền gạch bông bóng mát mà suốt đời chị chưa bao giờ nhìn thấy được. Chị thèm giấc ngủ nhưng đôi mắt chị vẫn mở to chòng chọc dán vào ngài quan chức quyền uy trước mặt để chực chờ van xin. Đôi lần chị muốn mở miệng nói, nhưng lại sợ.
Đột nhiên, vị quan chức ngước nhìn chị út Quắn, hỏi lớn :
- Ê ! chị kia ! tên gì ?
Chị út Quắn mừng kinh khủng, mừng đến rơi nước mắt, như chết đi sống lại . Nỗi mệt mỏi và buồn ngủ tan biến. Chị đứng bật dậy rất nhanh, dáng co ro bước đến gần ngài quan chức, tiếng nói của chị đứt quảng :
- Dạ !.......bẩm…ngài…!!!!bẩm..ngài,……con...con...tên là...Trần...Thị...Quắn..!
Vị quan chức nhà nước cảm thấy mùi hôi hôi tanh tanh từ người đàn bà khốn khổ đang bốc ra ám vào mủi ông. Ông khịt khịt mủi, đưa bàn tay quạt quạt trước mặt.
- Ê, chị kia, đứng tránh xa bàn một chút. Sao không chịu tắm rửa, ăn mặc sạch sẽ để hầu kiện hả ? Hôi hám quá thế này ai chịu nổi hả chị kia ? Trông chị như hủi vậy.
Chị út Quắn cúi đầu e lệ, bước lùi vài bước :
- Dạ ! thưa ngài ! con nghèo quá. Con đã ăn nằm ngoài trời nắng mưa ở đây hơn năm rồi. Con nghèo khổ lắm ngài ơi ! ngài ơi ! ngài rũ lòng thương con..!
Vị quan chức tỏ vẻ không bằng lòng :
- Thôi, đừng dài dòng, chị thưa kiện gì đây ? Hả ? Nói lẹ lên.
Chị út Quắn khom người, hai tay vòng lên ngực, cung kính :
- Dạ, thưa ngài, con là người dân chân chất làm thuê làm mướn bữa đói bữa no ở quê con. Cha mẹ qua đời để lại cho con sào đất và ngôi nhà tranh vách đất. Đột nhiên, Xã ra lệnh cho con phải đóng thuế nhà, thuế đất, mức thuế hằng năm cao quá, con kham không nổi. Vì vậy, Xã gán cho con tội phản động, chống "chính quyền cách mạng", không tuân luật lệ, và tịch thu nhà và đất của con, gạch bỏ hộ khẩu của con, thu giấy chứng minh nhân dân của con, tước quyền công dân của con và đuổi con đi kinh tế mới khổ cực trăm bề. Bây giờ con là người không có nhà cửa, gốc gác, quê quán, không có công ăn việc làm, không có giấy tờ tùy thân, không ai chấp chứa, không ai thuê mướn, con là dân lậu. Con đi tới đâu cũng bị người ta xô đuổi, coi con như cùi hủi. Con đã nhiều lần gởi đơn khiếu kiện các nơi mà không ai giải quyết cho con. Bẩm ngài, con quì lạy ngài, con xin ngài rũ lòng thương, giải quyết cho con lấy lại nhà, lấy lại đất, cho con nhập hộ khẩu, cho con giấy tờ tùy thân để con có cơ hội làm ăn sinh sống nuôi con dại. Trăm lạy ngài, trăm sự kính xin ngài cứu giúp con một phen. Tội cho con lắm ngài ơi ! Trăm lạy ngài rũ lòng thương con, cứu giúp con một lần, ơn ngài như trời biển, con ghi lòng tạc dạ...!
Vị quan chức đập bàn, quát ầm lên, khiến chị út Quắn run như cày sấy :
- Rõ đồ khỉ, chuyện nhỏ nhặt thế mà cũng đến đây làm phiền. Chuyện của chị do địa phương chị làm thì địa phương chị có trách nhiệm giải quyết, trung ương không can dự vào, phiền lòng lắm, nghe chưa chị kia. Chị đi về mà khiếu nại ở địa phương chị.
Chị út Quắn như muốn ngất xỉu trước "lời chỉ dạy" của ngài quan chức uy quyền cầm cân nẩy mực. Chị cố lấy sức nói :
- Thưa ngài, con đã đến Xã, Huyện, Tỉnh khiếu nại nhiều lần, nhưng họ bảo con ra trung ương mà thưa. Giờ ngài chỉ dạy như vậy thì con biết đi đâu bây giờ, con biết kêu cứu vào ai đây. Ngài thương xót con là kẻ bần cùng đói khổ...ban cho con chút ân huệ...nhỏ nhoi !
Ngài quan chức nhà nước trung ương uy quyền tột đỉnh xô ghế qua một bên, đứng lên, nét mặt hầm hầm trông rất ghê rợn, quát :
- Ê, chị kia, đừng có nói dai. Đã nói rồi, không nghe. Cút đi. Hết giờ tiếp dân.
Dứt lời ông ta bấm chuông reng reng, tên công an áo vàng nhanh nhẹn bước vào kéo mạnh chị út Quắn ra khỏi cửa.
Chị út Quắn lảo đảo bước xuống mấy bậc cấp. Cả bầu trời tối sầm trước mặt chị, chị chẳng còn nhìn thấy lối đi. Chị ngồi bệch xuống đất khóc rấm rức trong đau khổ tuyệt vọng. Chị đang cảm thấy cái chết trước mắt mới giải quyết được nỗi oan khiên. Hồi lâu chị út Quắn như chợt nhớ ra, chị hoảng hốt, dáo dác rảo mắt tìm con Chái.
- Chái ơi ! là Chái ơi ! Chái đâu rồi ! Con tôi đâu rồi ! Chái ơi ! Con ơi ! Con đâu rồi !
Chị út Quắn vừa khóc bù lu bù loa, vừa kêu tên con thảm thiết. Chị chạy khắp ngõ ngách lùng sục tìm con Chái. Vừa tìm, vừa hỏi thăm người này người nọ, nhưng chị vẫn chưa tìm thấy con Chái. Chị chạy vụt ra đường lộ ngơ ngác băng nhanh qua đường tìm con...trong lúc một chiếc xe hơi chạy lướt nhanh tới...chị út Quắn ngã sấp dưới lòng xe...máu tuôn xối xả...trước nỗi kinh hoàng của đám người dân đang đứng lố nhố chờ đợi khiếu kiện...!

Nguyễn Thế Hoàng
(Trích tuyển Tập Truyện đã xuất bản)






Không có nhận xét nào: