Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2008

KÝ ỨC TUỔI THƠ


Ký ức tuổi thơ
Nguyễn Thế Hoàng

Thuở ấy, con đường làng tôi dẫn từ đường đất lớn phía
xa vào đến cổng làng nhỏ nhắn thẳng tắp và xa hun hút. Con đường vun đắp bằng đất bồi phũ đầy lớp cỏ hoang dại. Hai bên vệ đường là những rặng tre dày xen kẻ tiếp nối đan kín từ ngoài xa kéo đến cổng làng. Bên trên là những ngọn tre uốn cong thành cái vòm tròn cao trải dài tạo cho con đường đầy bóng râm mát suốt ngày. Mặt đường phủ dày đặc lá tre khô từng lớp, từng lớp theo năm tháng thời gian đi qua che kín lối đi. Đứng xa xa nhìn vào trông thật uy nghi và trầm mặc. Trên đó, từng mỗi ngày bước chân tôi tung tăng nhẹ nhàng giẫm trên lớp lá tre khô âm ẩm mềm mại ngày hai buổi cắp sách đến trường trong tuổi ấu thơ. Đi dưới vòm tre cao xanh mát, tôi như đã quen thuộc những âm thanh khô khốc của những thân cây tre già xen kẽ chòng chéo cọ sát nhau theo gió thoảng, những tiếng hót, tiếng gù, tiếng gõ nhịp của loài chim bói cá, tiếng đập cánh xoành xoạch của những con chim chào mào, đốm trắng, le le... vỗ cánh bay lên, hoặc lượn vòng đáp xuống trên những ngọn tre cao vút. Thỉnh thoảng từng cơn gió rít, âm thanh rờn rợn trong vòm tre nghe đến não lòng. Tất cả kết cấu nên bức tranh thủy mạc và những điệu nhạc hoang dã man dại bất tận của đồng quê Nam Bộ ẩn dấu tận sâu thẳm tâm hồn một thời tuổi nhỏ trong tôi.
Con đường làng tôi đó đi vào cổng làng, qua từng ngôi nhà cổ xưa ẩn hiện giữa những vườn cây ăn trái xanh sẩm tưoi mát quanh năm. Nó như một ốc đảo nổi cộm nhô cao cô đơn bao bọc bởi từng cánh đồng lúa bao la vây quanh đầy gió lộng hun hút kéo tận chân trời. Những buổi đi về trên con đường làng đầy ắp lá tre khô tôi thường thích ngắm nhìn biển lúa xanh bao la trải dài mút mắt, luôn chao nghiêng về một phía theo cơn gió nhẹ, nghe thoang thoảng hương thơm dìu dịu mùi lúa mới, lòng tôi ngây ngất trên từng bước chân quen thuộc trong tuổi ấu thơ từng ngày.
Nhà Nội tôi ở bìa làng gần con sông nhỏ nước sâu, dòng nước êm đềm trôi lững lờ dọc theo con đưòng làng xuyên suốt qua những cánh đồng nối tiếp mênh mông về phía xa xôi. Con sông nhỏ hẹp, đứng bên này bờ có thể gọi vói con đò đậu lờ lững bên kia sông. Nhà Nội tôi, ngôi nhà cổ ba gian rất rộng, bốn mái lợp ngói đỏ phủ kín rêu phong thời gian lẩn khuất giữa vườn cây ăn trái sum xuê. Ngôi nhà trong đó, ông Nội tôi, đến Ba tôi rồi anh chị em tôi đã cất tiếng khóc chào đời trải dài thời gian ba thế hệ. Ba tôi thường bảo với các con thân yêu rằng ngôi nhà của ba thế hệ. Vì thế, Ba rất qúi trọng gìn giữ ngôi nhà thân yêu để mãi mãi với thời gian. Những buổi chiều nhạt nắng anh chị em tôi thường theo bà Nội ra tắm nước ở bờ sông, trên chiếc cầu ván bắt lắt lẻo vào những cọc tre cắm sâu dọc theo bờ nước. Chúng tôi ngồi trên cầu ván, hai chân thả chìm trong nước mát quậy liên hồi. Nước tung tóe lên khắp người. Quậy đã, lại dùng hai bàn tay vọc nước đưa lên mặt mủi, tóc tai thật nghịch ngợm. Nước sông mát lạnh thấm vào da thịt thật sảng khoái. Tôi vẫn thích nhặt những lá tre khô trôi theo dòng nước mát, rồi xếp thứ tự trong lòng bàn tay để chẳng biết phải làm gì. Rồi tất cả nhảy ùn xuống nước, nhào lộn, bơi lội. Dù mới lên sáu lên bảy tuổi, tôi đã bơi thành thạo. Hai tay hai chân tôi uốn lượn mềm mại trong khối nước trong, nhìn như những con loăng quăng trăng trắng rọ rạy dưới đáy bể nước phía sau nhà. Có những lõm nước sâu đứng hụt chân, tôi cố nhón người lên, mà vẫn cảm thấy chới với. Tôi cố dùng hết sức bung người lên khỏi mặt nước, miệng la ơi ới...rồi tiếp tục nhào lộn, vùng vẫy theo sóng nưóc lao xao vỗ mạnh vào bờ. Chúng tôi nghịch ngợm nắm tay kéo chân rồi như muốn cố dìm nhau xuống nước để rồi ai cũng uống từng ngụm nước, miệng thì la bài hãi. Thật là vui. Niềm vui ấu thơ trong trắng nơi quê tôi.
Nội cũng tắm, nhưng Nội ngồi trên thân cây gáo khô ngã nằm sát dọc theo bờ sông nước. Nội múc từng gáo nước sông xối lên mái tóc bạc phơ, lên tấm thân gầy còm phô những đoản xương sườn, xương sống. Đôi mắt Nội vẫn dõi theo chúng tôi nhắc chừng đừng đứa nào bơi ra xa. Tôi thỉnh thoảng thích nằm im trên mặt nước chao nhẹ, dõi mắt nhìn xa xa bên kia bờ sông có hàng dừa cao mút mắt, điểm lưa thưa những cánh cò trắng lượn vòng trôi xa hun hút về phía chân trời. Ráng chiều đỏ thẩm le lói trong khói lam mờ ảo từ những nóc tranh ẩn mình trong những vườn cây về phía bên kia sông.
Cũng khúc sông này dọc theo đường làng rợp bóng tre được coi như bến tắm, người dân trong làng thường ra tắm, giặt, gánh nước, mà đôi lần tôi đã chứng kiến một cảnh đời có hơi khác lạ ở tuổi ấu thơ thời ấy tôi đã không hiểu nổi. Đó là chị Huyền, mà người dân trong làng Phú Lâm này ai lại không biết đến chị. Chị vào khoảng dưới ba mươi tuổi đời. Chị Huyền đẹp dịu dàng, thon thả. Chị có làn da trắng mượt. Người chị đẫy đà. Chị có mái tóc dày thật dài thả xuống tận thắt lưng đen bóng. Người ta đồn đải chị Huyền mắc bệnh khùng, có nghĩa là tâm tính của chị Huyền không được bình thường. Bệnh khùng của chị lúc say lúc tỉnh, tôi nghe người lớn nói thế, nhưng với tôi chưa ý thức điên khùng là như thế nào. Nhưng lúc ấy dưới mắt tôi, chị Huyền vẫn là chị Huyền bình thường như mọi người. Người ta lại bảo chị Huyền khùng vì bị chồng hất hủi, bỏ rơi chị để theo vợ bé giàu có, khiến chị lang thang không nhà cửa và chị trôi giạt đến làng Phú Lâm này. Riêng tôi, trong tuổi ấu thơ non nớt, tôi nào xác nhận được chị đã đến ngụ tại Phú Lâm này bao lâu rồi, cũng như thân phận con người của chị. Nhưng đôi lúc tôi nhìn thấy chị đi tắm sông. Chị cổi hết quần áo, không còn một mảnh vải nào trên người. Chị phóng người xuống nước bơi nhanh nhẹn như con rái. Chị bơi ngửa, chị bơi sấp, chị bơi đứng, chị bơi nghiêng. Chị lượn tới, lượn lui trong dòng nước sông trong vắt. Nhìn nước da chị trắng xanh giữa dòng nước trong mát, phô bày rõ mồm mộp những gì mà người đàn bà cần che đậy trên cơ thể. Những lần chị tắm sông như thế, có những kẻ hiếu kỳ kéo đến xem chị tắm, nhất là đàn ông con trai. Họ chỉ trỏ vào thân thể chị, cười, nói, bàn tán rôm rả. Mặc. Chị tỉnh bơ. Chị không chú ý đến những con người tò mò xung quanh đang bám sát ánh mắt vào cơ thể chị. Trước những cặp mắt cú vọ của đám người đứng nhìn trên bờ, chị lại cứ thích bơi nằm ngửa trên mặt nước phơi bày cơ thể trần truồng. Đôi mắt chị lững lờ hướng lên những dải mây trắng đang trôi giạt xa xa giữa bầu trời xanh. Đôi môi chị mím chặt như cố nén những uẩn khúc gì đó trong lòng cứ muốn chực chờ bung ra. Đôi má chị tai tái. Nhìn chị như người vô cảm. Tôi cảm nhận được sắc nét hoang dại của chị qua khuôn mặt và cơ thể trần truồng của chị. Tôi thương chị Huyền hết sức. Tôi muốn nhào xuống sông đến bên chị năn nỉ chị lên bờ mặc quần áo ngay vào tránh những cặp mắt hau háu đang dán vào cơ thể chị. Suy nghĩ sôi sục trong lòng như thế, nhưng tay chân tôi cứng đơ vì bản năng đúa con nít bảy tám tuổi rụt rè, quá yếu đuối để không làm nên được gì cả.
Từ lúc đó, tôi luôn có ước muốn được làm quen với chị Huyền, dự tính lén gia đình thỉnh thoảng đi tìm chị để bày tỏ tình thương của mình. Đồng thời để biết thế nào mà Nội tôi bảo chị Huyền đang bị bệnh khùng.
Sau vài lần tắm sông, chị Huyền rời khỏi làng Phú Lâm vào lúc nào không ai biết. Chính tôi cũng sững sờ khi nghe nói chị không còn có mặt ở cái làng bé nhỏ này. Chị đến, rồi chị đi như cơn gió thoảng qua, chẳng ai biết và cũng có thể rằng không ai còn bận tâm chú ý đến chị Huyền. Thế mà vóc dáng chị cùng chuyện tắm sông của chị Huyền luôn gợi nhớ trong trí óc non nớt của tôi không rời, cũng như tôi chưa được một lần thực hiện sự ước muốn nhỏ nhoi.
Bẵng đi một thời gian khá lâu, chị Huyền quay trở lại ngôi làng Phú Lâm bé nhỏ. Tôi nhìn dáng chị khác thường với cái bụng của chị lớn hơn. Sao lạ lùng thế ! Tôi thắc mắc thì Nội tôi bảo rằng chị Huyền bị đàn ông xấu dụ dỗ cưỡng hiếp chị đến mang thai, nên bụng chị ngày mỗi lớn dần. Tôi thương xót chị và tôi càng đâm ra ghét người nào đó đã làm chuyện bất nhơn thất đức như thế. Lúc này, chị thuê người cất một túp lều nhỏ ở cuối góc làng, cạnh cây gỗ sao to lớn tỏa nhiều bóng mát làm nơi chun ra chun vào. Hằng ngày chị đi gánh nước thuê cho nhiều gia đình trong làng. Dáng chị nặng nề trên đôi vai chị như oằn xuống thấp hơn bởi chiếc đòn gánh móc hai thùng nưóc hai đầu, nhưng đôi chân của chị bước nhanh thoăn thoắt trên các con đường đất nhỏ trong làng. Mỗi ngày, chị Huyền gánh nhiều đôi nước liên tục, liên tục không ngừng trong một sự chấp nhận đầy nhẫn nại. Chẳng ai nhìn thấy ở chị Huyền một nụ cười trên khuôn mặt luôn đượm nét u buồn như cuộc đời chị. Tôi thường lén núp sau cánh cửa sổ ngó ra bờ sông nơi bến tắm nhìn chị Huyền quẩy đôi thùng không xuống bến sông vục nước đầy rồi ì ạch bước từng bước chân nặng nề lên bờ thong dong đi dưới ánh nắng chói chan của những ngày hè. Tôi lẩm bẩm trong miệng không thành tiếng, sao chị giỏi thế, em thương chị hết sức, chị có biết không chị Huyền ?
Bây giờ thì chị Huyền không còn tắm sông phơi lộ cơ thể trần truồng như trước để lôi cuốn nhiều người kéo đến chiêm ngưỡng cơ thể. Chị gánh nước về nhà, chờ xẩm tối, chị để nguyên quần áo, múc từng gáo nước xối từ đầu xuống chân. Tắm xong, chị thay quần áo khô, rồi ngồi trước túp lều phủ đầy bóng tối để chải vuốt mái tóc dài đen mượt của chị cho đến lúc mái tóc khô lòa xòa phủ kín mặt mủi. Chị nâng niu âm yếm mái tóc trong đôi bàn tay mềm mại. Chị Huyền vẫn ngồi bất động, âm thầm vắng lặng trong bóng đêm cho đến mãi khuya mới trở vào lều, khép mạnh tấm cửa liếp.
Một buổi chiều vừa tối xẩm tôi quyết định tìm đến làm quen với chị Huyền. Tôi lén xúc vài ký gạo trong thùng gỗ nhà Nội cho vào bao nylon nhỏ và còn ăn cắp tiền của mẹ mấy hôm trước mang đi. Tôi đến nhà chị Huyền cũng vừa xẩm tối và chị cũng đang ngồi trước lều tranh chải tóc mỗi ngày sau khi tắm.
Tôi len lén bước đến sau lưng chị, gọi khẻ :
- Chị Huyền !
Tôi chợt thấy chị khẻ rùng mình vì tiếng gọi bất ngờ của tôi. Chị quay người lại vừa nhìn ra tôi trong bóng tối nhờ nhờ. Tiếng nói của chị nghe sao êm ái lạ thường :
- Em...! em là ai !
Tôi cười, nhìn chị Huyền trìu mến :
- Chị vẫn thỉnh thoảng gánh nước cho nhà em. Nhà em ở gần cổng làng cạnh bờ sông trước bến tắm. Em tên là Vy Vy.
Dứt lời, tôi đặt bị nylon gạo và mấy tờ giấy bạc dưới nền đất khô chỗ chị đang ngồi, tôi khẻ nói :
- Em tặng chị cái này. Chị Huyền ! Em muốn làm quen với chị.
Chị Huyền nhìn tôi rất đổi ngạc nhiên. Mái tóc đen xõa che gần kín khuôn mặt phúc hậu của chị. Chị nhìn bị gạo và mấy tờ giấy bạc rồi nhìn tôi sững sờ. Chị bảo :
- Em hư lắm, sao dại dột lấy gạo của gia đình đem cho chị. Em mang về. Ba mẹ mà biết được là em ăn đòn.
- Em thương chị mà chị Huyền.
Nói xong, tôi ù bỏ chạy một mạch không ngoái đầu lại vì nghĩ rằng cứ chần chờ là chị lại cứ bảo tôi mang gạo về. Tôi đâu thể mang về. Chạy về đến nhà, tôi thở dốc, trong lòng cảm thấy hồi hộp, trống ngực đập thình thịch nhưng lòng tôi rất vui vì tôi đã làm quen và đã nói chuyện được với chị Huyền rồi. Tiếp xúc làm quen được chị Huyền, qua lời nói và phong cách của chị trong trí óc non nớt tuổi thơ của tôi, tôi cảm thấy chị Huyền rất đáng yêu và rất dễ gần gũi. Đêm ấy, nằm rúc đầu bên mẹ tôi có được một giấc ngủ êm ái cho suốt sáng. Những ngày sau đó, tôi vẫn luôn dõi theo bóng dáng chị Huyền với đôi thùng nước trên vai trĩu nặng ở khắp các con đường trong làng những lúc tôi đi học về.
Chị Huyền không thân nhân, bà con, bạn bè và cũng không bao giờ tôi nhìn thấy chị chuyện trò thân mật với ai, ngoài cô Mụ Năm. Tôi thường để ý thấy chị thường có mặt tại nhà cô Mụ Năm, vì nhà Cô ở cách nhà tôi một quảng đường. Cô Mụ Năm còn trẻ, lớn hơn chị Huyền chừng mười tuổi. Cô Mụ Năm không chồng, không con, không thân nhân họ hàng. Cô đến ngụ tại làng này qua nhiều năm nay và đã giúp đở nhiều sản phụ trong lúc sinh nở. Bởi vậy dân trong làng gọi cô là cô Mụ. Cô cất lên ngôi nhà vách lá, lợp tranh cao ráo, rộng rãi vừa để ở, vừa để có chỗ cho các sản phụ có chỗ nằm tạm trong lúc sinh nở. Cũng từ đó, những hài nhi mới sinh trong làng Phú Lâm đều qua đôi bàn tay mát mẻ, mẹ tròn con vuông của cô Mụ Năm. Ai sắp sinh, cứ tự nhiên đến nhà Cô để Cô chỉ dẫn, chăm sóc chu đáo. Khi sinh rồi chừng một ngày phải trở về nhà để có chỗ trống dành cho người khác. Ân huệ thì tùy hỉ từng người trả công ơn cho Cô. Cô Mụ Năm không đòi hỏi giá cả, không quy định nguyên tắc nề nếp, việc làm cứ theo thói quen, theo kinh nghiệm, người trước thế nào, người sau cũng vậy bất luận giờ giấc ngày đêm Cô không bao giờ than phiền. Nếu gặp ca sinh khó, đích thân Cô Mụ Năm đưa sản phụ đi bệnh xá thị trấn, hoặc thị xã và sẳn sàng lo công việc cho đến khi sản phụ sanh xong. Cô vui tính, tận tụy trong tay nghề đối với các sản phụ nên được mọi người trong làng mến thương. Cuộc sống cứ thế trong âm thầm từng ngày. Cho đến khi gặp được chị Huyền, cô Mụ Năm đã tỏ lòng xót thương người đàn bà khốn khổ cũng cùng hoàn cảnh cô đơn, nên Cô bảo bọc chị Huyền để chị ở phụ giúp Cô công việc hằng ngày. Kể từ đó, chị Huyền không còn gánh nước thuê cho mọi người trong làng Phú Lâm. Tôi cảm thấy mừng cho chị.
Vài tháng sau, chị Huyền sinh một đứa con trai khỏe mạnh, kháu khỉnh dưói sự bảo bọc của cô Mụ Năm. Rồi từ đó Cô Mụ Năm trực tiếp chăm sóc nuôi nấng đứa con của chị Huyền xem như con ruột của mình cũng chỉ vì Cô Mụ đã lớn tuổi rồi mà chưa có đứa con nào. Không biết cô Mụ Năm làm khai sanh đặt tên con của chị là gì, nhưng cứ nghe gọi nó là Côi, cũng vì nó mồ côi cha, và ngay chính chị Huyền cũng chẳng biết cha nó là ai. Thằng Côi cứ thế luôn khỏe mạnh, ăn nhiều chóng lớn theo ngày tháng. Những ngày nghỉ học, đôi lúc tôi thích thập thò ở ngưỡng cửa nhà Cô Mụ Năm để được nhìn thấy chị Huyền làm công việc nhà. Chị Huyền lau chùi, quét dọn nhà cửa trong ngoài, giặt giũ, nấu ăn, chăm sóc con heo con gà trong chuồng...Những lần gặp chị Huyền như thế, tôi không biết phải nói gì với chị với trí óc non ớt của mình chưa nghĩ ra được những gì để nói. Tôi chỉ biết nhìn chị rồi mỉm cười làm thân để có được cơ hội lân la đến bế thằng Côi lên, hôn vào hai gò má mũm mĩm của cậu bé, xong cho nó cái bánh cái kẹo. Lần nào chị Huyền cũng hỏi, Vy Vy không đi học sao ? Hỏi xong chị cười buồn cúi xuống tiếp tục công việc.
Thời gian này, gia đình tôi xảy ra một thảm họa đau đớn. Vào nửa đêm tối trời một bọn cướp gồm có ba tên mặc quần áo đen, bịt mặt, trên lưng áo có vẽ hình con Hùm màu xám nhe hai hàm răng trắng phếu trông rất dữ tợn. Chúng đập cửa vào nhà ông bà Nội tôi tống tiền. Nhà cửa người dân trong làng Phú Lâm này thường cách xa nhau và nằm hun hút trong từng mỗi vườn cây ăn trái rậm rạp, nên không thể kêu cứu vào ai được. Bọn cướp vào nhà, dí súng bắt từng người trói quật tay sau lưng và dồn tất cả mọi người trong nhà vào một góc do một tên có súng đứng canh giữ. Tôi sợ điếng hồn vội ẩn sau tủ thờ nên không bị chúng trói. Còn hai tên kia dí súng bắt ba và mẹ tôi dẫn ra sau vườn. Tôi lách mình chạy lúp xúp theo sau. Bọn cướp trói ké ba vào một thân cây vú sữa lớn rồi tra khảo đánh đập hết sức tàn nhẫn để đòi tiền bạc. Đồng thời một tên dẫn mẹ vào nhà lục lấy hết tiền bạc, vòng vàng đưa cho chúng thì chúng mới chịu thả ba ra. Lúc ấy dù là con nít, nhưng tôi rất bạo dạn chai lỳ, không sợ gì cứ chạy lẻo đẻo bên chân mẹ đang khóc lóc thảm thiết. Tôi cũng bị chúng nộ nạt quát tháo xô đạp ngã ngửa, và còn bị đánh mấy bạt tai nổi đom đóm và rất đau đớn.
Mẹ vào nhà tóm thâu hết tiền và vàng có trong nhà đưa hết cho chúng, nhưng chúng chê ít, càng đánh đập ba tàn nhẫn. Mẹ lại than khóc quỳ lạy xin chúng tha ba tôi. Mẹ khóc qùy lạy van xin, tôi cũng khóc qùy lạy van xin bọn cướp.
Cho đến lúc bọn chúng thấy ba bất tỉnh, đầu ba ngoặt qua một bên và hai mẹ con cứ quỳ lạy khóc lóc van xin, chúng liền quát tháo, dọa :
- Tụi tao ra hạn ba ngày nữa mấy người phải giao nạp đủ số tiền qui định từ trước, bằng không là mấy người sống không yên thân.
Rồi một tên chỉ tay vào mẹ tôi gằn giọng :
- Tui báo cho bà biết phải nhớ mặc quần áo đen, đội nón lá, chỉ đi một mình mang đủ tiền ra tận cuối cánh đồng, gần bờ sông dưới gốc cây cà chất lớn vào lúc sẩm tối đứng đó, chờ bọn này đến để giao tiền. Nếu sai lời là cả nhà chết không toàn thây nghe chưa ?
Dứt lời chúng rút nhanh trong đêm tối. Mẹ tôi vừa khóc vừa vội cổi dây trói đở ba ngồi dậy. Tôi khóc như mưa. Vừa khóc vừa chạy vào nhà thông báo mọi người đổ xô ra cuối vườn đưa ba tôi vào nhà. Tôi mở dây trói cho ông Nội để mỗi người cùng mở trói cho nhau. Ông bà Nội thì rét run trong nỗi lo sợ cứ ngồi trên ghế bất động. Mấy anh chị tôi tuổi chưa trưởng thành chẳng làm được gì đang còn ngồi chum nhum một góc nhà khóc rấm rứt lo sợ tột cùng. Chỉ có mẹ và cô Tư lo săn sóc ba lát sau ba mới tỉnh. Bọn cướp rút đi từ lâu mà cả nhà chưa ai hoàn hồn. Đêm đó cả gia đình thức trắng đêm trong tâm trạng hoang mang tột cùng. Vừa lo sợ, vừa nghe ngóng cứ ngơm ngớp bọn cướp sẽ quay lại làm tình làm tội gia đình một lần nữa. Một tiếng động lớn, một cơn gió rít ken két ngoài vườn...đủ làm cho cả nhà nín thở. Thật là một đêm kinh hoàng khiếp vía thật đau đớn đã in đậm nét trong ký ức tuổi ấu thơ non nớt của tôi !
Thời ấy, quanh vùng tôi ở, thường người lớn bàn tán về mấy đảng cướp mà tôi nghe và nhớ được như đảng cướp Hùm Xám, Cánh Buồm Đen, Ó Trắng, Đầu Lâu Tím...thường quấy nhiễu cướp của giết người, tống tiền, hãm hiếp cư dân ở các làng lân cận, có khi còn tràn ra thị trấn Chợ Vàm hoặc Tân Châu lên đến thị xã Châu Đốc. Chúng nhắm vào những gia đình có máu mặt, có của ăn của để. Chúng theo dõi nhà nào vừa bán đất, bán ruộng, bán tài sản huê lợi, những gia đình nuôi cá bè trên sông Hậu hoặc trúng mùa bè cá lóc bông... rồi đặt kế hoạch ‘’hỏi thăm sức khỏe’’ gia chủ. Bọn cướp thường viết thư tống tiền bằng cách đặt thư dưới lư hưong trên bàn Thiên giữa sân và làm dấu cho gia chủ biết để nhận thư của chúng. Ngay đêm đó, ba mẹ bàn với ông bà Nội không thể tiếp tục sống được tại Phú Lâm, vì thế nào trong ba ngày tới ba mẹ phải giao nộp tiền cho bọn cướp như chúng đã ép buộc. Nên sáng hôm sau ba mẹ và anh chị em tôi liền dời cư ngay ra lánh nạn tại thị trấn Chợ Vàm ở tạm tại nhà bà con may ra mới thoát khỏi bọn cướp . Rồi chỉ một thời gian ngắn, ba mẹ mua được nhà và sinh sống luôn tại đây. Từ đó, ngôi nhà tại Phú Lâm chỉ còn ông bà Nội và cô Tư. Cô Tư đã lớn tuổi nhưng cứ vẫn ở vậy vì cô rất thương yêu ông bà Nội không thể rời xa. Sau này ông bà Nội qua đời cô Tư vẫn bám giữ ngôi nhà ba thế hệ cổ kính này để luôn tồn tại theo thời gian. Cuộc sống của cô như một cái bóng trong ngôi nhà xưa và vườn cây ăn trái sum xuê chung quanh nhà thật nhẫn nại đầy sự chịu đựng.
Ba tôi là một nhà giáo. Ba vừa dạy học vừa làm Hiệu trưỏng một trường tiểu học
duy nhất tại Chợ Vàm. Trai gái cùng lứa tuổi tôi đều là học trò của ba ngày đó. Ba rất hiền, tính tình cỗi mở, cương trực. Ba thương yêu học trò như con ruột mình. Hầu hết học trò đều thương mến và phụ huynh nể phục ba. Mẹ tôi từ ngày dời cư ra Chợ Vàm đã tạo được sạp vải tơ lụa trong lều chợ để chung sức với ba nuôi nấng đàn con ăn học. Từ trong quê ra thị trấn tôi nhìn cuộc sống có những đổi khác, rộng lớn hơn, ồn ào sinh động hơn, con người linh hoạt hơn, không trầm lắng cô đơn trong đời sống nhỏ nhoi âm thầm bình thản như ở trong quê. Tôi có thêm những bạn bè mới rất dễ thương. Nào Diệu, nào Thiện, Huệ, Hoàng, Trinh, Lan...những người bạn rất thân cùng lớp cùng trường của ba tôi ngày đó. Chúng tôi chơi nhau rất thân trong lứa tuổi ngây thơ và thích tâm sự mách bảo cho nhau những gì hiểu biết vừa được nghe lõm đâu đó từ người lớn.
Ngày tháng đi qua trong tuổi măng non ngày mỗi lớn, chúng tôi qua hết cấp tiểu học để được tiếp tục học trường tỉnh trong thị xã. Thời gian đầu rời quê chạy trốn cướp mang bao nỗi ám ảnh ghê sợ kinh hoàng của bọn cướp đêm ấy cứ tiềm ẩn trong trí nhớ. Tôi đã hoảng sợ đến dại người không còn dám nghĩ đến chuyện về quê thăm nhà, thăm ông bà Nội, cô Tư trong quê, nhất là tôi luôn nhớ chị Huyền, thằng Côi, Cô Mụ Năm, nhớ con đường làng hai bên có hàng tre dày đặc bên trên có mái vòm, nhớ dòng sông nhỏ hiền hòa nước trong xanh, cánh đồng lúa xanh mượt chao nghiêng theo cơn gió bao la hun hút kéo tận đến chân trời, nhớ tiếng chim hót lao xao trong vườn cây ăn trái...Sau này tuổi thêm lớn khôn, mỗi kỳ hè bãi trường, lại thích rủ mấy đứa bạn thân vào quê tắm sông, bơi lội tung tăng, cợt đùa thoải mái trong dòng nước trong mát, ăn trái cây, đùa vui tung tăng trên đường làng rợp bóng mát, nhìn ngắm trong ánh mắt mộng mơ lướt tầm mắt ra xa trên biển lúa chín vàng mênh mông trải rộng về phía chân trời và nhất là được có dịp nói vài câu mừng vui nào đó với chị Huyền, được bế thằng Côi trong đôi tay mình và cho nó viên cốm lớ vừa mua từ trong chợ Quận...!

Thời gian vun vén tuổi đời khôn lớn, một thoáng đã gần ba mươi năm nhìn lại tôi vừa như cảm thấy mới hôm qua. Trong đó từng chặng đường tuổi nhỏ tôi bước đi trong lứa tuổi học trò từ quê Phú Lâm ra Chợ Vàm, Tân Châu, Châu Đốc đến trôi giạt xuống Vĩnh Long với ngôi trường trung học thân yêu Tống Phước Hiệp thuở nào. Nơi đây tôi có thêm những người bạn thân cùng lớp cùng trường, trai có, gái có, giờ đã lưu lạc khắp nơi, nhưng vẫn giữ được tình thân ái nhớ nhau, đến với nhau trong những buổi họp mặt kỷ niệm hằng năm giữa thầy cô, bạn bè ở hải ngoại. Rồi những năm sống cưộc đời sinh viên trên giảng đường đại học của tôi tại Saigon rất thơ mộng và hồn nhiên trong lứa tuổi dậy thì, để rồi cũng tại đây tôi đã gặp được chồng tôi. Người chồng tôi hằng ước mơ có được trong tình yêu đầu đời đã cho tôi nguồn hạnh phúc tuyệt vời từng năm tháng màu hồng với hai đứa con trai ngoan hiền thân thương mà vợ chồng tôi đã có được.
Bạn bè thân thiết ngày nào vẫn còn đó tuy không đầy đủ như ngày xưa. Đứa ở quê, đứa ở tỉnh, ở Saigon, ở các nơi xa và cũng có nhiều bạn đã rời quê hương ra đi sinh sống nước ngoài. Đa số đều thành đạt trong cuộc sống và một gia đình hạnh phúc bé nhỏ. Tình bạn vẫn thắm thiết khi gặp nhau vui mừng đến rơi lệ trên điện thoại, email, hoặc bất ngờ gặp lại trong một cơ may nào đó.
Thời gian tuổi ngọc bao tất bật miệt mài con đường học vấn rồi những lo toan cuộc sống gia đình hạnh phúc sau này bên chồng con, tôi đã không còn đủ thì giờ ôm ấp nỗi lòng hoài niệm về quê cũ. Cũng đã hai mươi lăm năm rồi còn gì từ lúc xuống Vĩnh Long trọ học đến khi đi lấy chồng tôi chưa một lần trở lại quê Nội Phú Lâm, Chợ Vàm thăm thú cảnh cũ người xưa. Tôi nghĩ mình cũng thật lắm vô tình nơi chôn nhau cắt rún. Thế nên trong dịp đứa con trai đầu thi đậu vào đại học, tôi quyết đưa con tôi trở lại quê nhà thăm ngôi nhà cũ của ba mẹ ở Chợ Vàm giờ do ông anh cả coi sóc, và ngôi từ đường ba thế hệ cổ kính của ông bà Nội ở làng nhỏ Phú Lâm, để con tôi lạy tạ ơn đức tổ tiên ông bà và cũng để con nhìn thấy được những di tích trong dòng họ.
Về lại quê làng Phú Lâm vùng lưu niệm những ngày xưa thơ ấu, sau thời gian dài đi xa tiềm thức tôi bỡ ngỡ lạ lẫm những đổi thay trước mắt. Trước đó, con đường làng dài ngoằn ngoèo dày đặc hàng tre hai bên vươn cao có mái vòm rợp bóng mát, mặt đường ngập dày lớp lá tre khô êm ái đã từng nâng niu bước chân tôi ngày hai buổi tung tăng đến trường hôm nay đã không còn nữa. Giờ con đường vào làng đã mất hẳn hàng tre bao phủ, được tráng nhựa phẳng lỳ, thẳng tắp trống trải từ ngoài xa đến cổng làng. Nhà cửa cất nhiều hơn, mới lạ khác hơn. Quang cảnh làng quê có phần sinh động, thông thoáng. Một cái chợ nhỏ chồm hổm sát cổng làng lèo tèo vài mái che sáng họp chiều tan. Những vườn cây ăn trái đã thưa cây hơn. Dòng sông nhỏ như rộng ra, nước chảy xiết, không còn trong xanh như ngày xưa. Bên kia bờ sông vẫn là những cánh đồng lúa bạt ngàn xa tít. Xa hơn về phía chân trời đã không còn nhìn thấy rừng dừa xanh, mà chỉ còn nhìn được những mái tranh, mái ngói đỏ li ti ẩn hiện trong chòm cây.
Ngôi nhà cổ kính ba thế hệ của Nội nhìn như nhỏ lại trong ẩm mốc rong rêu, hôm nay chỉ còn cô Tư hẩm hiu cchăm sóc sớm tối. Cô Tư đã già lắm rồi. Dáng cô nhỏ nhoi chiếc bóng, tóc cô bạc trắng, da mồi cằn khô. Khuôn mặt cô hằn sâu bao vết nhăn thời gian đầy nhẫn nại chịu đựng. Một vài gốc cây ăn trái thân quen ngày nào của tuổi nhỏ trong vườn không còn nữa, đang trơ gốc khô khốc trống trơn giữa trời. Cỏ hoang dày đặc khắp vườn không người chăm sóc. Cây vú sữa nằm cuối vườn cành lá sum xuê oằn trái một thời, nơi bọn cướp trói ba tôi khảo của trong đêm tối hãi hùng năm ấy, giờ trụi lá khô cành, đứng im lìm mặc thời gian rong rêu bao phủ. Tôi đứng lặng nhìn, tâm tư cuồn cuộn niềm cảm xúc chua xót tột cùng ký ức tuổi thơ lung linh gợi nhớ hình ảnh thân thương ông bà Nội, ba mẹ, các anh chị...ngày nào.
Tôi đi bên cạnh cô Tư ra đến bến tắm bờ sông. Chiếc cầu ván lắt lẻo ngày xưa chúng tôi theo bà Nội ra ngồi tắm, đứng từ đó nhảy bơi trong dòng nước trong xanh được thay thế bằng thân cây gổ sao ngã nằm dài dọc theo bờ sông. Cô Tư nói cây bão năm Thìn đã đánh trốc gốc cây gỗ sao. Người ta đã sử dụng nó để ngồi tắm, giặt, câu cá...Tôi trực nhớ đến chị Huyền đã có những lần trần truồng tắm sông năm ấy cũng bên cạnh gốc cây gáo gần đấy.
Tôi hỏi cô Tư :
- Cháu vừa chợt nhớ đến chị Huyền. Chị ấy giờ như thế nào hả cô ?
Cô Tư ngồi ghé lên đầu gốc cây sao hướng ánh mắt nhìn sâu thẳm ra dòng sông đục nhờ nhờ trước mặt. Giọng cô Tư thật buồn :
- Con Huyền khùng ấy...tội nghiệp ! Nó đã chết rồi.
Tôi sững sờ trong nỗi xót xa khi nghe cô Tư nói...chị Huyền...khùng đã chết. Ngày trước tuổi ấu thơ non nót tôi chưa hiểu được chuyện người lớn nói chị khùng. Giờ tôi đã hiểu khùng là chứng bệnh thần kinh ở trạng thái bất bình thường làm cho con người nửa tỉnh, nửa say ở mức độ thích làm những gì mình thích một cách khờ dại, ngông cuồng không nhận ra đúng sai, tốt xấu nhưng chưa đến nổi điên loạn. Cũng chỉ vì chị quẩn trí, uất hận khi bị chồng ruồng rẫy bỏ bê để theo vợ bé.
- Chị Huyền chết lúc nào hả cô Tư ?
Nghe tôi hỏi, cô Tư ngồi trầm ngâm như cố nhớ lại chuyện cũ, rồi nói :
- Hình như lúc thằng Côi lên năm sáu tuổi gì đó con, cũng đã gần hai mươi năm rồi còn gì.
- Chị Huyền bị bệnh gì mà chết vậy cô ?
- Chẳng bệnh hoạn gì cả. Đang giúp việc cho cô Mụ Năm ngon lành mấy năm trời, đột nhiên lại nổi chứng khùng, trần truồng như nhộng, tóc tai bù xù đi lang thang lếch thếch ngoài đường từ đầu làng đến cuối làng, nói lảm nhảm rồi cứ đầm mình xuống sông bơi phơi mình trong nước, người ta lại bu đến coi như ngày trước. Chán rồi chẳng ai còn chú ý đến, khi bơi ra giữa dòng nước sâu chảy xiết bị nước cuốn đi, chết trôi xác tấp vào bờ mấy ngày sau đó. Người ta bảo con Huyền có nòi, thiên hạ đồn bà mẹ hồi trước cũng thế.
- Còn thằng Côi con chị Huyền ?
Nghe tôi hỏi, cô Tư kể tiếp :
- Thằng Côi được cô Mụ Năm thương yêu như con ruột con ạ và nhận nó làm con nuôi. Càng lớn, nó càng khỏe mạnh, đẹp trai và rất có hiếu. Cô Mụ Năm cho đi học nó cứ trốn, chỉ thích đi gánh nước mướn cho người trong làng như mẹ nó ngày trước. Lúc rảnh nó quán xuyến tất cả công việc trong nhà cô Mụ Năm như một quản gia. Tiền gánh nước là đưa hết cho cô Năm, còn mua món này món khác đem về cho mẹ nuôi ăn. Nó hiền lành, ít nói, ưa giúp người khác, và không bao giờ làm mích lòng ai. Những gia đình nào có con cái bất hiếu, hư đốn cứ đem chuyện thằng Côi ra làm gương mà răn dạy con cháu. Con nhớ không, trong làng mình có nhà vợ chồng chú Thân ở đối diện nhà cô Mụ Năm, có đứa con gái tên Son hiền lành, xinh đẹp mảnh mai. Cha mẹ cưng chiều không cho theo cha mẹ làm thuê làm mướn bắt ở nhà trông coi quán tạp hóa nhỏ tại nhà. Thằng Côi cứ thường đến quán mua bánh kẹo. Chừng thời gian hai đứa thương nhau mấy năm trời vậy mà cha mẹ và người ngoài không hề hay biết, duy chỉ có cô Mụ Năm biết chuyện yêu thương của hai đứa, nhưng cô ấy giữ kín trong lòng. Thằng Côi và con Son dự tính xin cha mẹ làm đám cưới, nhưng vợ chồng chú Thân không chịu, nói thằng Côi là con không cha, đồ trôi sông lạc chợ không gốc gác dòng họ, mẹ thì khùng, không nhà không cửa, lại sợ chứng khùng của mẹ ảnh hưởng đến con, nên đã nhận lời gả con Son cho thằng Thành con một của ông phú hộ Tạo trong làng. Con Son buồn tử tử, được cứu sống. Đến ngày cưới của con Son với con ông phú hộ, thằng Côi vẫn đôi thùng gánh nước trên vai đứng lặng nhìn đám rước dâu. Cho đến khi đám rước đi xa, thằng Côi cổi hết quân áo, trần truồng, nhảy xuống sông cũng ngay chỗ con Huyền tắm ngày trước. Nó bơi ra tận giữa dòng... Chuyện xảy ra chẳng ai chú ý, cho đến lúc cô Mụ Năm đi kiếm thằng Côi dọc theo bờ sông nhưng chẳng thấy nó đâu. Tội nghiệp hết sức.
- Thằng Côi mất tích hả cô ?
- Có lẽ vậy. Chẳng thấy chẳng nghe nó đâu nữa. Sau đó, cô Mụ Năm buồn nhớ thằng Côi, bán nhà, rồi cũng biệt tăm biệt tích không thấy trở lại làng...
Thời gian như bóng câu bên cửa sổ, chất chồng tuổi tác lên con người, cho đến bây giờ tôi cũng đã là mẹ của hai đứa con ngoan hiền của tôi. Con tôi thông minh, hiếu học được sự chăm sóc của vợ chồng tôi và ước vọng chúng nó trở thành người tốt cho gia đình và xã hội. Tôi nghĩ đến thằng Côi, lòng tôi xót xa thương tiếc cho số phận nó. Mới ngày nào tôi thích ẵm nó như một đứa em khi tôi vừa tám chín tuổi, cho nó viên kẹo, cái bánh và hôn nhẹ lên đôi má mũm mĩm dễ thương. Chính nó là đứa trẻ bất hạnh từ lúc mới sinh ra đời đã không được may mắn sống trong hoàn cảnh tốt để làm người.Trên đời này bao nhiêu những đứa trẻ bất hạnh như thằng Côi và bao nhiêu người như chị Huyền bị chồng ruồng bỏ mê vợ bé, gia đình ly tán, không còn mầm sống.
Tuổi thơ của tôi được may mắn có cuộc đầy đủ với tình thương của gia đình trọn vẹn, nhưng ký ức vẫn hằn sâu nỗi xót xa, ray rứt không rời bao hình ảnh đen tối của ngày xa xưa…
Nguyễn Thế Hoàng

Không có nhận xét nào: